Thứ năm, ngày 18/4/2024 Hotline: 0981 815 815
New Page 1
Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập: 1541573
Đang Online: 145
Trang chủ > Kiến thức ATTP

Bí quyết lựa chọn thực phẩm an toàn đón tết cổ truyền

13/01/2020 09:27 AM
Chọn lựa thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo an toàn sẽ góp phần giữ niềm vui trọn vẹn trong những ngày Xuân ở mỗi gia đình.
Bí quyết lựa chọn thực phẩm an toàn đón tết cổ truyền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.com

Năm hết, Tết đến, bên cạnh việc mua sắm, sửa sang, trang trí lại nhà cửa, cây cảnh… thì những bữa tiệc sum họp gia đình trong những ngày Tết là không thể thiếu. Chọn lựa thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo an toàn sẽ góp phần giữ niềm vui trọn vẹn trong những ngày Xuân ở mỗi gia đình.

Cách chọn thịt và sản phẩm động vật

Trước tiên, nên tìm chọn mua sản phẩm tại cửa hàng, quầy sạp có điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y như bàn, giá treo hợp vệ sinh. Sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Đối với thịt, nếu thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

Lưu ý: Không mua sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; sản phẩm có những nốt trắng trong thớ thịt vì có thể thịt đã chứa ấu trùng sán dãi heo, bò; thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt hoặc đám xuất huyết trên da vì đó là các dấu hiệu nghi thịt gia súc, gia cầm đã chết.

Đối với trứng, nên chọn những quả vỏ sạch, màu tươi sáng, vỏ dày không nứt vỡ, cầm trứng đưa lên gần tai lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng kêu là trứng tươi, hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái cầm vào hai đầu của quả trứng giơ về phía ánh sáng, nhìn phía đầu to của quả trứng nếu thấy kích thước bóng khí càng nhỏ thì trứng càng tươi.

Cách chọn rau, củ quả

Chọn rau, củ quả tươi

Nên chọn rau có màu tươi sáng không héo úa, dập nát, không dính bẩn. Đối với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì có thể sản phẩm đó được sử dụng các loại phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư trong rau và bề mặt.

Đối với các loại rau dạng củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc củ phải đồng nhất, không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây mọc mầm vì độc chất có trong mầm khoai tây gây ngộ độc cho người ăn.

Khi chọn các loại đỗ quả, mướp đắng nên chọn quả có cuống to màu xanh tươi, thân mềm, hạt không lớn, không nhỏ.

Chọn các loại rau đã sơ chế

Đối với mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày, màu vàng sáng khi nấu sẽ giòn và ngon, đối với các loại nấm khô nên chọn những nấm có màu vàng sáng, chân nấm nhỏ và ngắn.

Đối với măng khô nên chọn mua măng non, có màu hanh vàng là măng phơi được nắng vì măng càng để lâu màu càng sẫm. Miếng măng ngắn, búp to sẽ ngon hơn.

Lưu ý: không nên chọn rau, củ đã xắt, thái sẵn, xay nhỏ vì vitamine, khoáng chất có thể bị mất đi, đồng thời nguy cơ sản phẩm có chứa chất tẩy trắng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bên cạnh việc chọn lựa thực phẩm ngon, an toàn thì việc bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn cũng góp phần làm giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Bảo quản thực phẩm chín

Bánh chưng, bánh tét

Đây là món ăn ngon truyền thống, giàu chất dinh dưỡng. Nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh. Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp hoặc rán lại trước khi ăn.

Giò, chả

Giò lụa với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị. Bảo quản giò lụa, giò bò, chả là để ở nhiệt độ thường dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được nhiều tháng nếu để ở ngăn đá.

Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ.

Nếu muốn sử dụng ngay, thì rã đông nhanh: bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ.Tuy nhiên, do chúng ta thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng 1 tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông bởi quá trình rã đông sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng.

Giò thủ: do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ thích hợp như mát, lạnh vì vậy để bảo quản, nên để vào ngăn mát tủ lạnh.

Thịt đông

 Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, và nó vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.

Dưa hành, kiệu

Là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nó được ăn kèm với bánh chưng hoặc những món ăn có mỡ giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác và kích thích tiêu hóa tốt hơn. Nên bảo quản món ăn này ở nơi thoáng mát, hoặc trong ngăn mát tủ lạnh.

Thực phẩm đã nấu chín 

Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. 

Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Thức ăn bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Nếu ăn còn dư để lại thì chỉ nên dùng thêm 1 ngày. Để hạn chế nhiễm khuẩn thức ăn, chúng ta cho thức ăn đã chế biến vào tủ lạnh trong vòng 2-4h sau khi chế biến, khi thức ăn nguội hẳn. Thức ăn sống và chín nên được để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn chéo. 

Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ và bỏ chỗ dập nát trước khi cho vào tủ. Tốt nhất là tất cả đều có bao kín hoặc hộp kín để tránh bị hút nước làm thức ăn khô và không ảnh hưởng mùi vị của các món khác.Với ngăn đông, thức ăn có thể dự trữ khoảng 2 tháng, tuy nhiên cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không nên cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng các tế bào và thực phẩm rất dễ bị hư hỏng nếu để trở lại. Trước khi cấp đông cũng nên sơ chế sạch và chia ra từng phần đủ dùng cho một bữa.

Tuy nhiên, lưu ý tủ lạnh cũng không phải là "chiếc tủ thần kỳ" để bảo quản thức ăn. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng không tiêu hủy được độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra, điều này gây nên ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng.

Nguồn: tuoitre.vn

https://tuoitre.vn/bi-quyet-lua-chon-thuc-pham-an-toan-don-tet-co-truyen-20180129142725588.htm



Các tin liên quan:
  8 cách loại bỏ thuốc trừ sâu trên trái cây, rau củ
  Lý do không nên vắt chanh vào bún, phở đang nóng
  Tìm hiểu thêm về cụm từ hạn sử dụng thực phẩm “Sử dụng trước” và “sử dụng tốt nhất trước” ngày
  Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm
  BỆNH LIÊN CẦU LỢN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
  Thực hư chuyện "ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt khiến trẻ dậy thì sớm"
  Lưu ý khi chọn bánh trung thu để không mua phải hàng giả
  Ai không nên uống nước lạnh trong ngày nắng nóng?
  Dùng chất làm ngọt aspartame ra sao để an toàn?
  Những thực phẩm mùa hè giúp thanh lọc và tăng cường chức năng gan
  Rau củ bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?
  Chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh các bệnh về hô hấp cho trẻ em
  Lầm tưởng về dinh dưỡng khiến bạn khó giảm cân
  Ăn măng cụt xanh cần loại bỏ 2 bộ phận có thể gây độc
  Lời khuyên khi mua hàng trực tuyến đối với thực phẩm có nguy cơ cao
Tìm kiếm thông tin
Hình ảnh hoạt động
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế Quảng Ninh
Địa chỉ: Tầng 18, Tòa nhà liên cơ quan số 3, P. Hồng Hà, TP Hạ Lọng, Quảng NInh
Điện thoại: 0203.3 611 043; Fax: 0203 3611044; Email: ccvsattp@quangninh.gov.vn Giấy phép của Sở Thông tin truyền thông số 05/GPTTĐT-STTTT ngày 31/01/2024
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Phú Nhuận - Chi cục trưởng. Email:nguyenphunhuan@quangninh.gov.vn
Ghi rõ nguồn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh hoặc www.antoanthucphamquangninh.vn khi phát hành lại thông tin