Thứ ba, ngày 19/3/2024 Hotline: 0981 815 815
New Page 1
Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập: 1508804
Đang Online: 216
Trang chủ > Truyền thông

Phòng chống tác hại thuốc lá: Việc không của riêng ai

03/06/2019 10:56 AM
(CCATVSTPQN) - Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng mà còn có tác hại khôn lường với người hít phải khói thuốc một cách thụ động.

Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy chung tay phòng chống tác hại thuốc lá bằng cách từ bỏ, không sử dụng thuốc lá. Ảnh: Thanh Hải

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu cộng đồng không chung tay chống lại sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng thuốc lá, gánh nặng bệnh tật gây ra do thói quen này thực sự rất đáng ngại.

Thờ ơ với tác hại

Theo thống kê của Bộ Y tế, người tiêu dùng của nước ta hàng năm phải chi tới 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm. Để hạn chế gánh nặng bệnh tật này không còn cách nào khác ngoài việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong người dân. Tuy nhiên, hành trình này còn gian nan.

Nhìn vào tỉ lệ hút thuốc lá cao ở Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người dân dễ dàng tiếp cận với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu, dù vỉa hè, hiệu tạp hóa hay trung tâm thương mại cao cấp. Theo một số chuyên gia kinh tế, tỉ lệ hút thuốc cao còn do giá thuốc lá ở Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng cũng khiến cho cuộc chiến này vẫn còn gian nan.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao. “Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là các quán trà đá vỉa hè đến quán cà phê, nhà hàng sang trọng và những địa điểm vui chơi khác là một trong nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá còn cao trên địa bàn”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.

Còn theo một số chuyên gia, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Một số nghị định khác của Chính phủ như Nghị định 176/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013 hay Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) đã quy định cụ thể các mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Song, nhìn vào thực tế đang diễn ra, hầu như không ai quan tâm, không ai thực hiện, cũng không cơ quan nào kiểm tra, giám sát việc thực thi khiến Luật chỉ trên... giấy.

Bản thân người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá và chưa biết nhiều thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại rất nhiều khu vực công cộng có biển cấm hút thuốc, nhưng người hút thuốc lá vẫn vô tư “nhả khói” mà không quan tâm tới sự khó chịu của những người bên cạnh cũng như ảnh hưởng của khói thuốc với sức khỏe với những người phải hít khói thuốc lá thụ động. Chưa kể, các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá vẫn đang tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành Y tế chưa có đơn vị thanh tra chuyên trách đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời. Vì vậy, việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.

Kết hợp tuyên truyền và xử phạt

Để phòng chống tác hại thuốc lá, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, hiện nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá, phù hợp với tình hình thực tế; triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá; tổ chức treo, dán tranh ảnh, băng biển, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhiều cơ quan còn mạnh dạn đưa các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm của các tập thể, cá nhân, đồng thời triển khai thực hiện nền nếp, hiệu quả… Tuy vậy, việc thực thi pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá còn hạn chế. Vậy nên, để tăng hiệu quả thực thi trong việc phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới, ông Khuê nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá trong nhân dân phải được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh đó, việc tăng hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này cũng phải được nâng cao.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Việt Nam của Health Bridge Canada nêu ý kiến, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới.

“Các quốc gia cần tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bao gồm việc ban hành và tăng cường thực thi các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp để tạo ra môi trường trong lành không có khói thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân của mình”, bà Hoàng Anh nêu.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, cơ quan này sẽ duy trì và nhân rộng việc triển khai thực hiện mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện và xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định sẽ tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn thành phố; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định hiện hành. “Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá”, ông Hiền nêu.

Ngoài các giải pháp ở tầm vĩ mô, một trong các biện pháp được coi là hiệu quả tức thời giảm tỉ lệ hút thuốc là việc tư vấn cho người dân các biện pháp cai thuốc lá hiệu quả. Điều này thực sự là một chướng ngại không nhỏ buộc người đang hút thuốc phải thực sự quyết tâm cao.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương, cai thuốc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì điều quan trọng nhất là quyết tâm của người cai. Để cai thuốc thành công thì cần 3 yếu tố là hiểu biết, quyết tâm và hỗ trợ. Người hút phải hiểu biết về tác hại của thuốc lá, hiểu về các yếu tố bất lợi khi cai, cần sự hỗ trợ từ người nhà, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hỗ trợ của nhân viên y tế, cộng với quyết tâm cai của mình thì sẽ thành công.

Dẫn nguồn theo: Baomoi.com

 



Các tin liên quan:
  THÔNG ĐIỆP BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024
  Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới
  Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên năm 2023
  Kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
  Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
  Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành Y tế Quảng Ninh năm 2023
  Khẩu hiệu đảm bảo an toàn thực phẩm Tháng hành động năm 2021
  "Chữa bệnh bao người y đức niềm tin..."
  Bộ Y tế truyền đi thông điệp "Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang"
  Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW
  Nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
  Hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nêu cao y đức người thầy thuốc
  VV bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn gia đình phòng chống dịch Covid-19
  Dịch COVID-19: Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
  KHẨU HIỆU ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM THÁNG HÀNH ĐỘNG NĂM 2020
Tìm kiếm thông tin
Hình ảnh hoạt động
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế Quảng Ninh
Địa chỉ: Tầng 18, Tòa nhà liên cơ quan số 3, P. Hồng Hà, TP Hạ Lọng, Quảng NInh
Điện thoại: 0203.3 611 043; Fax: 0203 3611044; Email: ccvsattp@quangninh.gov.vn Giấy phép của Sở Thông tin truyền thông số 41/GP-STTTT ngày 30/7/2020
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Phú Nhuận - Chi cục trưởng. Email:nguyenphunhuan@quangninh.gov.vn
Ghi rõ nguồn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh hoặc www.antoanthucphamquangninh.vn khi phát hành lại thông tin